TS. Tô Ngọc Thịnh
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần của người dân thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với các điểm đến du lịch, doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương và khách du lịch trong việc quy hoạch điểm đến, xây dựng hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và mang lại lợi ích cho các bên liên quan. Bài viết sử dụng kết quả nghiên cứu của tác giả thông qua việc thu thập và xử lý dữ liệu sơ cấp và thứ cấp nhằm rút ra những kết luận về các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần của người dân thành phố làm cơ sở gợi ý những giải pháp phù hợp.
Từ khóa: Điểm đến du lịch, điểm đến du lịch cuối tuần, quyết định lựa chọn, yếu tố ảnh hưởng.
1. Điểm đến du lịch cuối tuần và các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần
Điểm đến du lịch là một phạm trù rất rộng và được tiếp cận từ nhiều khía cạnh từ địa lý đến kinh doanh hay chiến lược. Đối với những kỳ nghỉ cuối tuần có đặc trưng về thời gian ngắn ngày, do đó mỗi sự lựa chọn cho địa điểm du lịch đều phải cân nhắc cho phù hợp với đặc trưng này. Vì thế, ngay trong khái niệm du lịch cuối tuần đã nhắc đến đó là những địa điểm ngoại ô hay phụ cận, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần của đa số cư dân tại các đô thị lớn. Các điểm đến này cũng tương tự như các điểm đến du lịch khác, có đầy đủ tiện nghi và dịch vụ phục vụ cho các hoạt động nghỉ dưỡng, thư giãn, giải trí, phục hồi sức khỏe của du khách khi lựa chọn.
Từ đó, có thể hiểu: Điểm đến du lịch cuối tuần là vùng không gian địa lý thuộc vùng ngoại ô hoặc phụ cận các đô thị, có tài nguyên du lịch hấp dẫn, đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là cư dân tại các đô thị.
Đặc điểm của điểm đến du lịch cuối tuần:
– Về thời gian: Thời gian được xác định là những ngày nghỉ ngắn của mỗi tuần. Những kỳ nghỉ đó diễn ra vào hai ngày cuối tuần, mặc dù là những kỳ nghỉ ngắn nhưng chúng mang tính quy luật, định kỳ vào mỗi tuần vì vậy số ngày nghỉ chiếm 80% tổng số ngày nghỉ trong năm (Nguyễn Thị Hải, 2002).
Đối với khoảng thời gian đặc trưng ngắn ngày của du lịch cuối tuần thì du khách sẽ có hai lựa chọn cho kế hoạch kỳ nghỉ. Cách thứ nhất là từ các hành trình lớn, du khách lựa chọn chia nhỏ từng phần, phân chia vào mỗi cuối tuần để thực hiện từng giai đoạn một. Điều này vẫn giúp du khách có thể hoàn thành kế hoạch của mình tuy nhiên cũng rất khó thực hiện bởi lẽ khoảng cách là một thách thức. Việc chia nhỏ đôi khi cũng ảnh hưởng đến tâm trạng trong cả hành trình lớn, hoặc có những hành trình mà không thể thực hiện chuyến đi trong thời gian ngắn ngày được. Lựa chọn tiếp theo có vẻ phù hợp hơn cho những ngày nghỉ như thế này. Đó là du khách lựa chọn hành trình ngắn (phù hợp trong khoảng thời gian 1-2 ngày) và thực hiện nhiều chuyến đi trong năm. Lựa chọn này được ưu tiên hơn cả bởi tính linh hoạt của nó, vừa đảm bảo thời gian di chuyển, vui chơi thư giãn cũng như đảm bảo cho kế hoạch làm việc cho tuần tiếp theo. Việc lặp đi lặp lại những chuyến lịch cuối tuần của dân cư tại các thành phố đông đúc hay các khu công nghiệp vào các dịp nghỉ cuối tuần đã tạo nên tính chu kỳ của hoạt động này.
– Về khoảng cách: Theo tác giả Đặng Duy Lợi thì điểm đến thích hợp nhất cho các kỳ lịch cuối tuần là khoảng cách là khoảng 20km đối với người đi xe đạp, còn ô tô xe máy thì khoảng 45 – 60 km. Và khoảng cách của giữa những điểm đến so với những nơi ở hoặc làm việc phải không quá 3 giờ di chuyển (Đinh Trung Kiên, 2005) hoặc khoảng cách hợp lý của điểm đến lịch cuối tuần so với nơi ở hoặc làm việc là khoảng 2 hoặc dưới 2 giờ bay (Nguyễn Thị Hải, 2002).
Khi xác định khoảng cách ở đây không chỉ là khoảng cách về mặt địa lý mà còn cần xác định bởi ba nhân tố đó là khoảng cách địa lý (được xác định bởi độ dài vật lý từ địa điểm cư trú đến địa điểm lịch cuối tuần), khoảng cách thời gian (được xác định bằng khoảng thời gian tiêu tốn để đi từ điểm cư trú của du khách đến địa điểm lịch cuối tuần) và cuối cùng là khoảng cách chi phí (được xác định bằng chi phí về vật chất, tinh thần và sức lực phải bỏ ra để di chuyển từ nơi cư trú đến điểm đến lịch cuối tuần). Độ thích hợp của khoảng cách này phụ thuộc vào điều kiện của khách du lịch và điều kiện chuyển tiếp (Nguyễn Thị Hải, 2002).
Theo nghiên cứu thực tế chỉ ra du khách thường lựa chọn điểm đến lịch cuối tuần có khoảng cách từ 50km – 150km so với nơi cư trú của mình. Những nơi có đó được cho là phù hợp với thời gian, sức khỏe và chi phí cho hoạt động lịch cuối tuần của du khách. Ngoài ra thì những nơi này thường sẽ có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên hoặc văn hóa xã hội so với địa điểm thường trú của du khách, chính sự khác biệt này là điểm thu hút, hấp dẫn du khách tìm đến những địa điểm này.
Khái niệm điểm đến du lịch được định nghĩa rất phong phú, theo mỗi cách tiếp cận sẽ có những căn cứ riêng để phân loại. Trên cơ sở nghiên cứu các cách tiếp cận khác nhau, tác giả đưa ra những tiêu chí phân loại điểm đến du lịch cuối tuần, như sau: căn cứ vào hình thức sở hữu: điểm đến thuộc sở hữu nhà nước và điểm đến thuộc sở hữu tư nhân. Căn cứ vào địa hình: điểm đến vùng biển, điểm đến vùng núi hay điểm đến sông/hồ… Căn cứ vào giá trị tài nguyên du lịch: điểm đến có giá trị tài nguyên tự nhiên, điểm đến có giá trị tài nguyên văn hóa. Căn cứ vào loại hình hoạt động: điểm đến hoạt động nghỉ dưỡng, hoạt động sinh thái, hoạt động tham quan khám phá, hoạt động thể thao, hoạt động mua sắm hay tham gia các sinh hoạt văn hóa xã hội địa phương.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần:
Trong nhiều nghiên cứu được công bố, đáng chú ý là nghiên cứu của Hill (2000). Tác giả Hill hướng vào đánh giá vai trò của các nhân tố ảnh hướng tới tiến trình ra quyết định lựa chọn điểm đến du lịch. Hill cho rằng, hành vi lựa chọn điểm đến chịu sự tác động của 2 nhóm nhân tố khách quan và chủ quan. Trong đó, tác giả tập trung vào nhóm nhân tố là khoảng cách, thời gian đi du lịch, chi phí cho chuyến đi, các rủi ro có thể gặp phải cũng như kiến thức và tính hấp dẫn của điểm đến. Ông chia sự lựa chọn điểm đến được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn xem xét, giai đoạn cam kết và giai đoạn lựa chọn điểm đến cuối cùng. Khi du khách biết về điểm đến, họ có thể cam kết sẽ lựa chọn (evoked set), hoặc nhóm điểm đến không được chấp nhận (inert set), hoặc nhóm điểm đến không muốn lựa chọn hay không quan tâm (inept set).
2. Mô hình nghiên cứu và thống kê mẫu nghiên cứu chính thức
Mô hình nghiên cứu của đề tài lấy cơ sở nền tảng từ các nghiên cứu về hành vi mua của người tiêu dùng; các lý thuyết về sự lựa chọn của Ajzen và Fishbern (1975 – 1987; 1991); các mô hình nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn điểm đến của Um và Crompton (1979), Mathieson và Wall (1982), Woodside và Lysonski (1989), Gilbert (1991), Hill (2000), Jalilvand và cộng sự (2012). Căn cứ vào các khoảng trống lý thuyết, nhóm nghiên cứu xác định nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần bao gồm nhóm nhân tố bên trong (Động cơ bên trong, Thu nhập) và nhóm nhân tố bên ngoài (Khoảng cách, Chi phí, Sự thuận tiện trong chuyến đi, Các cơ sở lưu trú, Truyền thông và Hình ảnh điểm đến).
Tổng thể mẫu nghiên cứu khảo sát chính thức của nghiên cứu là 311 người dân, tác giả tiến hành loại đi các phiếu không thoả mãn yêu cầu và làm sạch dữ liệu, mẫu nghiên cứu còn lại được đưa vào phân tích là 270 phiếu với một số đặc điểm chính, như:
Về giới tính: có 103 du khách nam (38,1%); 156 du khách nữ (57,8%) và 11 du khách giới tính khác (4,1%).
Về độ tuổi: có 25 du khách dưới 18 tuổi (9,2%); 112 du khách từ 18 – 25 tuổi (41,5%); 71 du khách từ 26 – 30 tuổi (26,3%) và 62 du khách trên 30 tuổi (23%).
Về nghề nghiệp: có 118 du khách là học sinh, sinh viên (43,7%), 62 du khách là công nhân, viên chức (23%), 72 du khách là lao động tự do (26,7%) và 18 du khách đã nghỉ hưu (6,7%).
Về thu nhập trung bình: có 87 du khách có mức thu nhập trung bình dưới 3 triệu đồng (32,2%), 28 du khách có TNTB từ 3 – 5 triệu (10,4%), 61 du khách có thu nhập trung bình từ 5 – 10 triệu (22,6%), 68 du khách có thu nhập trung bình từ 10 – 20 triệu (25,2%) và 26 du khách có thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng (9,6%).
Về tần suất tham gia hoạt động lịch cuối tuần: có 1 du khách không bao giờ tham gia hoạt động lịch cuối tuần (0.4%), trong khi đó có 72 du khách hiếm khi đi du lịch cuối tuần (26,7%), 158 du khách thỉnh thoảng tham gia (58,5%) và 39 du khách thường xuyên tham gia hoạt động du lịch cuối tuần (14,4%).
Về mức độ tham gia các loại hình du lịch:
Về đối tượng đồng hành trong hoạt động du lịch cuối tuần của người được hỏi:
3. Các kết quả nghiên cứu và giải pháp
(1) Đánh giá kết quả nghiên cứu
Về hình ảnh điểm đến: Nghiên cứu về “Hình ảnh điểm đến” là một trong những chủ đề phổ biến nhất trong ngành khoa học về du lịch trong một thời gian dài kể từ đầu những năm 1970. Hình ảnh điểm đến được định nghĩa như là một tập hợp niềm tin, ý tưởng và ấn tượng mà người đó có về một địa điểm hoặc điểm đến (JL Crompton, 1979). Một số đặc điểm về hình ảnh điểm đến tác giả đã lựa chọn đưa vào các mô hình phân tích gồm: (1) Điểm đến du lịch cuối tuần được đánh giá cao trên các trang review; (2) Phong cảnh tài nguyên thiên nhiên đẹp; (3) Các điểm đến được công nhận bởi các tổ chức uy tín; (4) Người dân bản địa thân thiện; (5) Hoạt động vui chơi giải trí; (6) Mức độ an ninh, an toàn cao; (7) Có chi phí hợp lý; (8) Phù hợp với xu hướng, trào lưu của xã hội và trong đó, biến hình ảnh điểm đến có ảnh hưởng 24,8% đến sự hài lòng và cam kết quay trở lại điểm đến du lịch cuối tuần của khách du lịch. Có thể nói, hình ảnh điểm đến đã và đang trở thành mối quan tâm đầu tiên của du khách, đây là cơ sở giúp các nhà quản lý điểm đến, trong đó có điểm đến du lịch cuối tuần để xây dựng các chiến lược nâng cao, tăng cường quảng bá hình ảnh tới khách du lịch.
Về thu nhập: Với thực trạng xu thế của người Việt Nam hiện nay, khi có điều kiện về thu nhập, họ sẽ có mong muốn được đi du lịch nhiều hơn, nhu cầu đi du lịch cuối tuần của người dân sẽ tăng cao, đặc biệt với tâm lý đi du lịch để giải toả căng thẳng sau một tuần làm việc mệt mỏi (Ví dụ, với thu nhập bình quân của người dân Hà Nội ước đạt 130 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra yếu tố thu nhập có ảnh hưởng 22,0% vào sự hài lòng và cam kết quay trở lại điểm đến du lịch cuối tuần của khách du lịch. Đây là cơ sở để tác giả đưa ra những kiến nghị, giải pháp cho các nhà quản lý điểm đến du lịch cuối tuần.
Về động cơ bên trong: Động cơ du lịch là nền tảng ảnh hưởng đến cách hành xử của khách du lịch. Việc hiểu sâu sắc về động cơ của du khách mang lại nhiều lợi ích cho chiến lược tiếp thị du lịch, đặc biệt liên quan đến việc phát triển sản phẩm, đánh giá chất lượng dịch vụ, phát triển hình ảnh cũng như các hoạt động khuyến mãi (Hoàng Thị Thu Hương, 2007). Kết quả nghiên cứu cho thấy, động cơ bên trong của du khách trong quyết định đi du lịch cuối tuần chiếm 14,3%; đồng thời, mức độ đồng ý của khách du lịch ở yếu tố động cơ bên trong cũng cho giá trị điểm trung bình cao hơn so với các yếu tố khác đến từ bên ngoài. Kết quả này phù hợp với các kết quả của một số nghiên cứu tiêu biểu ở nước ngoài về sự tác động của động cơ tới sự lựa chọn điểm đến của du khách. Cụ thể, Bigné và cộng sự (2004), Mutinda và Mayaka (2012) phát hiện ra rằng những đặc điểm cá nhân có ý nghĩa nhiều hơn các yếu tố môi trường xét trong sự tác động tới hành vi lựa chọn điểm đến của du khách (Hoàng Thị Thu Hương, 2007). Như vậy, kết quả sự ảnh hưởng của các nhóm yếu tố động cơ bên trong du khách bao gồm (1) Mong muốn nâng cao hiểu biết văn hoá các vùng miền, (2) Tham quan các địa điểm mới mẻ, (3) Nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí sau một tuần làm việc mệt mỏi; (4) Tìm kiếm cảm giác mạnh, khác lạ; (5) Gắn kết tình cảm gia đình, bạn bè; (6) Phù hợp với xu hướng của xã hội; (7) Nâng cao sức khoẻ có những điểm tương đồng với những nghiên cứu trước đây.
Về khoảng cách: Điểm đến được lựa chọn cho các chuyến du lịch cuối tuần trước hết phải là những điểm có khoảng cách di chuyển hợp lý (Phùng Thị Hạnh, 2015). Trong đó, kết quả nghiên cứu cho thấy du khách đưa ra ý kiến gần như đồng tình với các quan điểm của tác giả, cho thấy khách du lịch có xu hướng lựa chọn những địa điểm du lịch cuối tuần gần nhà, trong khoảng 2 giờ lái xe. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Boniface cho rằng khoảng cách hợp lý của điểm du lịch cuối tuần so với nơi ở, hoặc làm việc là khoảng 2 hoặc dưới 2 giờ lái xe (Nguyễn Thị Hải, 2002).
(2) Giải pháp
Một là, đa dạng hóa các hoạt động du lịch:
Từ kết quả khảo sát đánh giá cho thấy, hoạt động du lịch cuối tuần được du khách là người dân thành phố lựa chọn tương đối phong phú, nhất là các hoạt động về tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng. Trong số 270 phiếu được hỏi có đến 64,8% lựa chọn loại hình tham quan, khám phá cho chuyến du lịch cuối tuần của mình và 52,6% là lựa chọn nghỉ dưỡng. Có thể thấy nhu cầu về hai loại hình này là tương đối nổi bật trong quyết định lựa chọn của du khách. Điều này có thể là do đặc điểm của đối tượng nghiên cứu là người dân thành phố – sống và làm việc dưới áp lực của môi trường xã hội luôn mong muốn có những chuyến đi để tìm hiểu những con người, văn hóa tại các vùng đất mới. Xác định đúng nhu cầu và mong muốn của khách du lịch chính là điều kiện then chốt để phát triển điểm đến du lịch cũng như hoạt động du lịch cuối tuần nhằm thỏa mãn được phần đông du khách khi lựa chọn loại hình tham quan, khám phá. Khi chú trọng đầu tư đến loại hình du lịch này cần gắn chúng với thiên nhiên hoặc văn hóa, cuộc sống tạo nét riêng biệt nhằm thúc đẩy mông muốn tìm hiểu, trải nghiệm của du khách. Loại hình này được quan tâm xây dựng đồng nghĩa với sự cải thiện về cơ sở vật chất như phương tiện lưu trú, điều kiện đi lại hay thái độ đối với du khách của nhân viên lữ hành cũng như cộng đồng dân cư địa phương. Còn đối với hoạt động nghỉ dưỡng được lựa chọn đứng thứ hai khi được hỏi về loại hình du lịch cuối tuần sẽ lựa chọn của du khách thì cần quan tâm tới chất chượng của dịch vụ lưu trú hàng đầu, đây là yếu tố cần để tạo ra “tác động kéo”. Cũng như loại hình tham quan, khám phá, thái độ với du khách là điều kiện đủ để làm thỏa mãn du khách tốt hơn.
Các loại hình còn lại mà nhóm đã đưa ra trong khảo sát của người dân thành phố cũng có tỉ lệ phần trăm lựa chọn tương đối cao: MICE (15,9%), teambuilding (26,7%), thể thao (27,4%), văn hóa, lịch sử (30,7%), và sinh thái (32,2%) cho thấy các hoạt động du lịch cuối tuần trong các quyết định của du khách là rất phong phú. Như vậy, muốn thu hút khách du lịch tới các điểm đến cần có những sự đầu tư để làm đa dạng hơn các loại hình du lịch, thỏa mãn nhu cầu được trải nghiệm khác nhau của du khách. Đây là một trong những cơ sở cho công tác hoạch định các chính sách du lịch tại mỗi điểm đến.
Song song với việc đa dạng để tăng sự lựa chọn cho du khách là sự không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất, hạ tầng để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách ở mỗi loại hình mà họ lựa chọn. Việc này còn đem đến sự thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành du lịch mỗi địa phương cũng như trên cả nước phát triển bền vững.
Hai là, xây dựng các chiến lược giá phù hợp với từng đối tượng khách hàng:
Thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố liên tục tăng trong những năm gần đây (hai năm gần đây 2020 và 2021 ít tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh). Từ kết quả khảo sát của tác giả chỉ ra sự chênh lệch về thu nhập của những đối tượng được khảo sát là người dân thành phố. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần thì yếu tố thu nhập đứng thứ hai với 22,0%, cho thấy họ rất quan tâm đến vấn đề chi phí cho hoạt động du lịch cuối tuần. Vậy nên, các nhà quản lý, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch cần có những chính sách về điều chỉnh giá cả để phù hợp với yêu cầu của du khách kích cầu tiêu dùng dịch vụ du lịch này. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc đến các chính sách giảm giá “kịch sàn” vì đây không phải là biện pháp lâu dài giúp du lịch phát triển bền vững, những doanh nghiệp cũng như cộng đồng địa phương sẽ không còn đủ chi phí cho những hoạt động phục hồi và tái đầu tư. Cần phải có những biện pháp lâu dài và bền vững hơn. Có thể kể đến sự hợp tác giữa các nhóm dịch vụ: doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, kinh doanh hà hàng, kinh doanh các dịch vụ vận chuyển để có được mức giá ưu đãi nhất. Bên cạnh đó là sự đảm bảo về giá cho đúng, cho phù hợp và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Phân loại khách hàng từ bình dân đến cao cấp để đưa ra những gói dịch vụ phục vụ phù hợp, đa dạng các phân khúc giá để du khách có thể tự do lựa chọn theo nhu cầu của mình.
Ba là, tăng cường xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch cuối tuần:
– Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch cuối tuần: Đối với lĩnh vực du lịch, thương hiệu điểm đến có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của điểm đến (Lê Tuấn Anh, 2015). Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành Du lịch của mỗi quốc gia nói chung và mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi điểm đến du lịch nói riêng. Cũng theo nghiên cứu chỉ ra rằng các giá trị tài nguyên của điểm đến trong đó có giá trị vô hình chính là hình ảnh điểm đến đóng vai trò quan trọng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến thái độ và hành vi của du khách là người dân thành phố. Điều này đặt ra yêu cầu cho các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp du lịch có giải pháp xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch một cách có kế hoạch, đồng nhất từ trên xuống dưới. Đầu tiên phải kể đến công tác tuyên truyền đến các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và người dân địa phương về tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển thương hiệu điểm du lịch. Điều này không những mang lại hiệu quả về nâng cao nhận thức cho mọi người về vai trò của thương hiệu của điểm đến du lịch mà còn là cơ sở, cầu nối để truyền tải các giá trị của điểm đến đến du khách một cách chính xác và hiệu quả nhất. Tiếp đó là cần có một mô hình thương hiệu hợp lý với một chiến lược xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp cùng lộ trình rõ ràng, được thực hiện đồng bộ, nhất quán từ cấp quản lý đến doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư địa phương. Trong đó, giá trị cốt lõi của điểm đến chính là tính khác biệt để giúp xác định chiến lược thương hiệu, là điều cần phát triển để thu hút khách du lịch cùng với đặc điểm riêng biệt của vùng, khu vực đó.
– Tăng cường công tác xúc tiến và quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch cuối tuần: Song song với xây dựng hình ảnh điểm đến là công tác quảng bá, tiếp thị cho các điểm đến du lịch cuối tuần. Để công tác này đạt được hiệu quả cao đồng thời vừa tiết kiệm chi phí và công sức thì cần tiến hành việc nghiên cứu thị trường, xác định thị trường mục tiêu để làm rõ được đặc tính của từng thị trường. Với thị trường là người dân thành phố, công tác này càng cần được quan tâm nhiều hơn vì hình ảnh điểm đến là yếu tố tác động mạnh nhất đến hành vi của họ. Khi có được kết quả của công tác nghiên cứu thị trường, cần áp dụng vào hệ thống cơ sở dữ liệu ảnh, thông tin, thư viện ấn phẩm cho công tác quảng bá. Thời đại công nghệ 4.0 là cơ sở để phát triển truyền thông qua internet nhằm tiếp cận rộng rãi và có hiệu quả đến những đối tượng mục tiêu. Cũng cần tổ chức, tham gia những hội nghị, diễn đàn, hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của điểm đến du lịch đến du khách, nhờ đó mà có thể tiến hành xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư tới các đối tác.
– Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch cuối tuần: Nhằm đồng bộ về chất lượng sản phẩm dịch vụ, các nhà quản lý, các doanh nghiệp cũng như công đồng dân cư cần chú trọng đầu tư đến vấn đề con người. Không chỉ nâng cao hệ thống cơ sở vật chất mà còn phải không ngừng đào tạo, tuyển chọn những đội ngũ nhân lực có chuyên môn và năng lực chuyên môn cao để đem đến những trải nghiệm tốt nhất dành cho mỗi du khách khi đến với điểm đến du lịch cuối tuần. Không ngừng đào tạo nguồn nhân lực địa phương về cả nhận thức cũng như về kỹ năng về du lịch nói riêng và về ngành dịch vụ nói chung.
– Tăng cường an toàn, an ninh trong du lịch cuối tuần: Tại các điểm đến du lịch cuối tuần nói riêng và các điểm đến du lịch nói chung cần triệt để ngăn chặn, chấm dứt các hành vi lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch. Trong công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch cần có những biện pháp cụ thể, đồng bộ và hiệu quả để tạo ra những sự thay đổi tích cực. Đây phải được coi là nhiệm vụ cấp bách và phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài một cách nghiêm túc nhằm tạo ra một môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh, thúc đẩy sự phát triển của điểm đến du lịch nói riêng cũng như ngành du lịch Việt Nam nói chung.
4. Kết luận
Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần là chủ đề còn tương đối mới mẻ dựa trên lý thuyết về hành vi tiêu dung. Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả đã đánh giá các yếu tố như: động cơ bên trong; thu nhập (yếu tố bên trong); khoảng cách; chi phí; sự thuận tiện trong chuyến đi; các cơ sở lưu trú; truyền thông; hình ảnh điểm đến (yếu tố bên ngoài); sự hài lòng và cam kết quay trở lại của du khách ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần của người dân thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, tác giả đã rút ra kết luận về một số yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần của người dân thành phố như: thu nhập, khoảng cách, động cơ bên trong và hình ảnh điểm đến.
Trên cơ đó, tác giả đã gợi ý một số giải pháp nhằm phát triển điểm đến du lịch cuối tuần thu hút và tăng cường quyết định lựa chọn điểm đến du lịch cuối tuần của người dân thành phố nhằm mang lại lợi ích cho các bên liên quan.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Hải (2002). Đánh giá tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển du lịch cuối tuần của Hà Nội, Luận án TS, Đại học Khoa học Tự nhiên.
2. Bùi Thị Hải Yến (2007). Tuyến điểm du lịch. H. NXB Giáo dục.
3. Bigné, J. E., & Andreu, L. (2004). Emotions in segmentation: An empirical study, Annals of Tourism Research, 31(3), 682 – 696.
4. Hill, T. H. (2000). Investigating cognitive distance and long – haul destinations: Doctoral Philosophy, Griffith University, Australia.
5. Philip Kotler, Gary Armstrong (2008). Principles of Marketing. 12th Edition, Prentice Hall, United State.