Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Admin
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người Việt sâu sắc gói những triết lý vàng ngọc về lời nói trong những câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Lời nói là điểm tựa, chân lý, là thước đo “người ngoan”: “Vàng thì thử lửa, thử than/ Đồng thau thử tiếng, người ngoan thử lời”!

Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều người Việt cứ mở mạng ra là... chửi! Đủ thứ người chửi. Không chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt, “anh hùng bàn phím” vô công rồi nghề chửi mà có cả doanh nhân, nghệ sĩ, thậm chí cả nghệ sĩ rất tên tuổi cũng chửi!

“Nghệ” có nghĩa là “trồng cấy”, “sĩ” là người có học. Hai chữ “nghệ sĩ” rất danh giá và sang trọng để chỉ những người có học làm công tác giáo dục. Thế nên nhiều nghệ sĩ chân chính thường là thần tượng của giới trẻ vì họ là chuẩn mực, là tấm gương soi...

Nhà Phật có khái niệm “khẩu nghiệp” khuyên 4 loại lời nói phải tránh: Vọng ngữ (nói dối); thiển ngữ (lời nói thô thiển); ba phải (nói hai lời); xảo ngữ (lời lẽ khiêu khích). Về sau, người Việt ta thêm vào một loại nữa cho đủ 5 là uyển ngữ, tức lời nói khoa trương, trống rỗng, khen lấy khen để, nói cho hay nhưng không thật lòng, đúng với kiểu “khen cho mày chết!”. Ông bà ta dạy đời sâu sắc lắm: “Chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói”. Tức nói cái gì phải suy nghĩ, đắn đo, tính toán, cân nhắc. Vì lời nói hay, nói đúng là vàng, là bạc (Lời nói gói vàng). Ngược lại, lời nói xỏ xiên, đểu cáng, xúc phạm sẽ gây thù chuốc oán (Lời nói đọi máu).

Thời nay có một số người rất hiểu biết, rất nổi tiếng mà lại nói năng lung tung, là tại sao? Có một vài nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi nhưng “phán” rất thiếu căn cứ khi có ý cợt nhả, chế giễu hình tượng người anh hùng dân tộc đã đi vào lịch sử, vào tiềm thức của hàng triệu người Việt. Có nhà khoa học được giải quốc tế, trong phút “bồng bột” viết mấy lời có ý xúc phạm tới thần tượng dân tộc, lại còn khích bác thể chế chính trị... Hình như ông ấy đã “quên” được giáo dục ở chế độ này, lại vừa được nhận ân huệ lớn của Nhà nước... Lại có nhà thơ muốn “nhìn nhận” lại “sự thật” lịch sử rằng ai mới đúng là người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Rồi lẽ ra phải như thế này, phải như thế kia... Khổ quá, việc ấy đã có cơ quan chuyên môn, viện này viện kia nghiên cứu rồi. Mình có chuyên môn sâu đâu mà tham gia “phân tích, mổ xẻ” nhưng thực tế lại phán nhăng, phán cuội khiến cho dư luận xã hội thêm một phen rối bời!

Văn hóa học quan niệm tri thức/học vấn chỉ thống nhất chứ không đồng nhất với ứng xử văn hóa. Những người này tự mang “khẩu nghiệp” rất có thể là do bản lĩnh kém mà a dua hoặc là cơ hội, hoặc là muốn nổi tiếng hơn mà “nói ngược”. Vẫn theo nhà Phật, những ai mang “khẩu nghiệp” sẽ bị “nghiệp quật”!

Nền văn hóa nào cũng có sự cảnh tỉnh về sức lan truyền nhanh chóng của lời nói. Vì ngày xưa chưa có sự tác động tức thời của các phương tiện truyền thông thì lời nói làm nên dư luận, dư luận lại điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Xin kể lại “Một chuyện có thật” của H.C.Andersen, một ngụ ngôn thâm thúy nhắc nhở bất cứ ai đều phải có trách nhiệm cao với phát ngôn của mình: Một mụ gà mái làm rụng cái lông, mụ đem kể cho mấy mụ gà khác. Câu chuyện lan đi thành khác hẳn: 5 ả gà mái đã tự vặt lông đi để thi xem đứa nào gầy mòn nhất vì chúng cùng tương tư một anh gà trống. Rồi chúng còn đánh nhau, máu me đầm đìa mà chết hết cả. Thật là không chỉ điếm nhục “gia phong” mà còn làm thiệt hại tài sản cho nhà chủ! Chính ả gà mái làm rụng cái lông cũng không nhận ra đấy là chuyện có “gốc gác” từ mình, mà gào lên: “Nhục nhã thay! Cũng may mà cái hạng gà như thế chả có mấy. Phải phổ biến rộng rãi câu chuyện này ra để làm bài học chung”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lời hát rất hay: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha/ Em đến trường học bao điều lạ/ Môi hé cười nở những nụ hoa”. Em sẽ là hy vọng của mẹ, sẽ là lý tưởng của cha. Những lời nói đẹp như hoa sẽ nở trên môi em... Nhạc sĩ thiên tài còn nói điều ấy cho cả người lớn nữa!